25 Tháng Tư, 2024

Một tác phẩm văn học đồ sộ về bút pháp, ý nghĩa, tư tưởng như Truyện Kiều không dễ chuyển thể, phóng tác lên màn ảnh rộng. Điện ảnh Việt từng thất bại 3 lần trong Sài Gòn nhật thực, Kiều@ và Kiều.
Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát trải dài suốt hơn 15 năm thanh xuân lưu lạc của nàng Kiều. Khung thời gian 15 năm không phải là quá sức để đưa lên màn ảnh rộng, điện ảnh thế giới từng có nhiều phim tiểu sử bao quát suốt cuộc đời nhân vật. Tuy nhiên, với điện ảnh Việt Nam, dường như cuộc đời nàng Kiều vẫn là chủ đề quá sức.
Lường trước khó khăn này, 3 phim Việt trên có những cách xử lý khác nhau.
Sài Gòn nhật thực (2007, của đạo diễn Othello Khánh), có Trương Ngọc Ánh vào vai Kiều. Phim đưa nhân vật vào thời hiện đại, là một nữ diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn rơi vào cảnh bán mình để trả nợ cho gia đình. Các nhân vật Kim, Trọng Hải, bà Tú… được cải biên từ Kim Trọng, Từ Hải, Tú bà…
Lựa chọn vấn nạn buôn người làm chủ đề chính, Sài Gòn nhật thực gây phản cảm vì xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam dưới góc nhìn chủ quan, một chiều: vọng ngoại, vì bạc tiền mà mẹ bán con, bà bán cháu… Mang danh lấy cảm hứng từ danh tác của Nguyễn Du, nhưng phim đi ngược những giá trị nhân văn mà Truyện Kiều truyền tải.
Bên cạnh đó, Sài Gòn nhật thực còn thất bại vì ngôn ngữ lộn xộn, tình tiết ngô nghê.
Kiều@ (2021) cũng gây khó hiểu khi mượn danh Truyện Kiều nhưng thực chất là chuyển thể từ vở cải lương Nửa đời hương phấn. Trên thực tế, Nửa đời hương phấn cũng là tác phẩm lấy cảm hứng từ Truyện Kiều nhưng hành động mượn danh Kiều này cũng gây không ít lùm xùm.
Phim xoay quanh số phận trái ngược của hai chị em Hương – Phấn.
Dòng đời xô đẩy khiến Hương, cô gái xa quê lên thành phố bị lừa vào con đường buôn phấn bán hương. Sau bao thăng trầm cuộc đời, Hương quyết định quy y cửa Phật. Phấn – em gái Hương – cũng lên thành phố làm việc, rồi cưới một người đàn ông mà không hay biết đó là tình xưa của chị gái.
Kiều @ bị nhận xét bằng những tính từ “phản cảm”, “thảm họa”, “thất bại”. Đạo diễn Đỗ Thành An sau đó phải lên tiếng giải thích. Trả lời Zing, ông cho biết: “Tôi không phản đối ý kiến của khán giả. Thảm họa hay không thì người xem tự nhận xét. Tôi tôn trọng khán giả”.
Kiều là bộ phim đầu tay của Mai Thu Huyền trong vai trò đạo diễn. Trước đây, chị có nhiều năm lăn lộn với điện ảnh và truyền hình trong các vai trò diễn viên, nhà sản xuất. Nhưng chừng đó kinh nghiệm có lẽ vẫn chưa đủ để nhà làm phim giàu tham vọng gặt hái thành công.
Ngay từ mở đầu, Kiều của Mai Thu Huyền đã thông báo bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ nguyên tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Phim là lát cắt cuộc đời Kiều từ thời điểm bán mình chuộc cha cho tới lúc từ giã Thúc Sinh.
Thế nhưng Kiều của Mai Thu Huyền cũng rơi vào tình trạng thảm họa vì gần như không hiểu đâu là giá trị của Truyện Kiều, đâu là điều khiến danh tác của Nguyễn Du khác với Kim Vân Kiều vốn là tiểu thuyết của Trung Quốc.
Kiều của Mai Thu Huyền lấy một phần chất liệu từ Truyện Kiều, nhưng rồi xây dựng một kịch bản rối rắm và ngô nghê. Biến cố và nút thắt lộn xộn, nửa vời, không đâu vào đâu trong mạch truyện lê thê, đan cài chi tiết chắp vá và non nớt. Một vài chi tiết cài cắm, như “trinh tiết” của Kiều, khiến phim gây ngao ngán ngay từ những cảnh đầu tiên.
Tệ hại nhất là cách xây dựng nhân vật Đạm Tiên với diễn xuất của chính Mai Thu Huyền. Do được Kiều thắp nén hương thương nhớ, cô đã xuất hồn và đi theo Kiều trong mọi bước đường. Đạm Tiên dùng phép thuật đưa dao cho Thúy Kiều để phòng thân, cứu cô khỏi “cánh mày râu” háo sắc, nhưng đồng thời ép Kiều phải khơi dậy lòng hận thù, thậm chí ép cô phải giết người vì đàn ông là phụ bạc.
Nhân vật Đạm Tiên là sáng tạo nhằm mang đến nét mới lạ, nhưng đã vô tình triệt tiêu những đấu tranh tâm lý, diễn biến nội tâm, cùng nỗ lực của Kiều trước những truân chuyên kiếp người. Đạm Tiên khiến nhân vật Thúy Kiều trên màn ảnh vốn đã nhạt nhòa trong kịch bản càng trở nên đáng quên hơn.
Cũng Đạm Tiên và bút pháp xây dựng nhân vật ngờ nghệch của biên kịch và đạo diễn đã khiến phim Kiều có nhiều tình tiết phi logic. Phim có nhiều cảnh nóng và bối cảnh lầu xanh buộc tác phẩm bị dán nhãn 18+. Quả là nghịch lý éo le khi phim chỉ dành cho người lớn, nhưng lại có quá nhiều chi tiết đơn giản, ngô nghê như cho trẻ con.
Tóm lại, cả 3 phim đều mượn danh Truyện Kiều (đều có dòng chữ “cảm hứng từ tuyệt tác Truyện Kiều” hay “lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du”) nhưng sản phẩm lại cải biên quá nhiều và không truyền tải được một phần nhỏ tư tưởng của nguyên tác. Từ thất bại liên tiếp của Sài Gòn nhật thực, Kiều @ và Kiều, có thể thấy Truyện Kiều chưa bao giờ là một tác phẩm dễ dàng đưa lên màn ảnh.
#phimkieu #truyenkieu #bloggiaitri