20 Tháng Tư, 2024

Sau khi làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, ekip của Thơ Nguyễn đăng tải đoạn clip xin lỗi, thông báo tắt kiếm tiền và ẩn toàn bộ video.
Tối 15/3, trang YouTube Thơ Nguyễn đăng tải đoạn clip với tiêu đề “Tạm biệt…”. Mở đầu, một người trong ekip của Thơ Nguyễn gọi khoảng thời gian sau khi video lấy chủ đề kumanthong bị dư luận chỉ trích là “một tuần sóng gió”.
Kế đến, người này công khai bức thư gửi đến YouTube, trong đó cho biết sẽ “tắt kiếm tiền trên toàn bộ các video của kênh Thơ Nguyễn và Thơ Nguyễn Family”. Tuy nhiên, Thơ Nguyễn vẫn sẽ giữ lại các video “có giá trị giải trí và giáo dục theo quy chuẩn xã hội Việt Nam”.
Cuối video là bức thư Thơ Nguyễn viết tay gửi lời xin lỗi đến các khán giả “đặc biệt là những em nhỏ và phụ huynh”.
Ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong vấp phải nhiều phản ứng. Đáng chú ý, trong clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ” nên quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”.
Tối ngày 10/3, trang TikTok này ẩn phần lớn các video đã đăng. Ngày 11/3, trang Facebook của Thơ Nguyễn tạm khóa. Tính đến 15/3, cả 3 trang chính thức của Thơ Nguyễn trên TikTok, Facebook, YouTube đều đã xóa toàn bộ nội dung.
Sáng 15/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh đã làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn về việc đăng tải video “xin vía học giỏi” trên kênh TikTok.
Tại buổi làm việc, YouTuber Thơ Nguyễn cho biết video có nội dung “xin vía học giỏi” trên mạng xã hội TikTok của cô gồm 2 phần. Phần một là nội dung video gây tranh cãi trên cộng đồng mạng, phần hai là video “đính chính” với các em nhỏ. Theo nữ YouTuber, video thứ hai giải thích cho các em nhỏ đây là búp bê thường, không phải búp bê ma và khuyên các em muốn học giỏi phải siêng năng chứ không cầu xin được.
Theo giải trình của YouTuber Thơ Nguyễn, do chính sách của TikTok chỉ cho phép đăng tải mỗi đoạn video có thời lượng tối đa là 60 giây. Do đó, hai video kể trên được đăng tải ở hai thời điểm khác nhau (không liên tục) gây hiểu nhầm cho cộng đồng mạng.
Qua phân tích nội dung các clip của cơ quan chức năng, YouTuber Thơ Nguyễn thừa nhận đã nhận thức được hành vi vi phạm và cho biết bản thân không cố ý.
Hiện kênh YouTube của Thơ Nguyễn chỉ còn 2 video với nội dung giải thích về vụ việc ồn ào liên quan đến Kumanthong. Kênh TikTok của Thơ Nguyễn cũng đã ẩn toàn bộ video.
Nhiều cư dân mạng cũng lên tiếng trước sự việc này
Kiên Hoàng
Chắc Thơ Nguyễn tạm ẩn để xoa dịu dư luận rồi sau đó lại mở lại ấy mà. Tôi thì nghĩ, nên xóa các kênh nhảm kiểu này đi.

Omega
Phải phạt thật nặng chứ chuyện gì cũng xin lỗi là xong sao. Tẩy chay những kênh nhảm nhí này để bảo vệ con em chúng ta

Quang Nguyên
Mong cơ quan quản lý xử lý mạnh tay hơn với các youtuber có những clip nội dung nhảm nhí, trục lợi từ các vụ scandal, mê tín dị đoan

Trước đó Thơ Nguyễn cũng phơi bày chính sách lỏng lẻo của TikTok
TikTok chỉ cho phép người dùng 13 tuổi trở lên được sử dụng nền tảng. Tuy vậy, bằng nhiều cách, người dùng chưa đủ tuổi vẫn có thể tiếp cận các video có nội dung xấu.
Trong 2 ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip lấy nội dung xoay quanh búp bê kumanthong. Cụ thể, việc Thơ Nguyễn cho rằng “cầu vía học giỏi là không sai trái” đã gây nên làn sóng tranh cãi trong cộng đồng người dùng Internet Việt Nam.
Nhóm người xem Thơ Nguyễn hướng tới là trẻ em. Điều này có thể thấy qua việc nhà sáng tạo nội dung này sở hữu kênh YouTube Kids với lượng người đăng ký lớn. Trong các video trên TikTok, Thơ Nguyễn cũng chủ động xưng chị, gọi em với các “bạn nhỏ”.
Bên cạnh đó, dưới phần bình luận các video trên kênh TikTok Thơ Nguyễn xuất hiện hàng loạt nội dung được gửi từ những tài khoản trẻ em.
“Em sắp thi học kỳ hai lớp 5 rồi, chị xin vía giúp em nhé”, tài khoản Linh Chi bình luận.
Tuy nhiên, trong một video đính chính, Thơ Nguyễn khẳng định cô không hướng tới trẻ em bởi nền tảng TikTok dành cho người dùng trên 13 tuổi.
Trong chính sách sử dụng, TikTok cũng nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Có thể thấy, mạng xã hội này không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhóm tuổi này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung trên TikTok.
Thực tế, khi tìm thử từ khóa “kumanthong” trên TikTok cho ra nhiều nội dung liên quan đến loại búp bê tâm linh này. Chưa dừng lại ở đó, TikTok còn là nơi dung dưỡng cho hàng trăm trào lưu độc hại. Bất chấp hàng loạt cảnh báo, không ít thanh thiếu niên tham gia các thử thách mạo hiểm để có nhiều lượt xem. Điều này khiến nhiều người dùng, trong đó có những người đã đủ tuổi sử dụng TikTok (trên 13 tuổi) trở thành nạn nhân của các trò thử thách.