16 Tháng Tư, 2024
Vào ngày 12/12, Thuỷ Tiên khiến dân mạng vô cùng bất ngờ khi đăng tải clip dài ghi lại cảnh cô đang tự tay truyền nước biển cho Công Vinh. Theo nữ ca sĩ Thuỷ Tiên cho biết, do chồng vừa bị cảm, cơ thể bị mất nước nên cô muốn truyền dịch để hỗ trợ Công Vinh hồi phục sức khoẻ. Đáng nói, thay vì đến cơ sở y tế hay nhờ người có chuyên môn truyền dịch thì vợ chồng Công Vinh lại tự thực hiện tại nhà.
Ngay lập tức, netizen đã để lại bình luận không đồng tình vì hành động này của nữ ca sĩ Thuỷ Tiên: “Sao nguy hiểm quá vậy”, “Em làm trong lĩnh vực y tế và thấy các công đoạn chị làm không ổn, chị nên nhờ y tá hoặc thuê dịch vụ tốt hơn”, “Theo em được biết, bác sĩ có bằng cấp còn không được tự ý truyền tại nhà”,…
Trước những lời góp ý của dân mạng, Thuỷ Tiên đã lập tức lên tiếng: “Tiên cảm ơn mọi người đã nhắc nhở, nhưng có kinh nghiệm và làm nhiều rồi mới dám làm chứ không ai dại đem chồng ra thử nghiệm lần đầu đâu, mà có thì anh Vinh cũng chẳng dám làm nữa”.
Không chỉ thế, Thuỷ Tiên còn cho biết cô từ năm 11 tuổi, cô đã được mẹ truyền dạy kinh nghiệm sử dụng ống truyền và kim tiêm nên mới tự tin truyền nước cho Công Vinh. Thuỷ Tiên cho biết đây chỉ là clip 2 vợ chồng quay và đăng tải lên MXH với mục đích “chia sẻ vui” chứ không có ý gì khác. Ngay sau khi gây tranh cãi, ca sĩ Thuỷ Tiên cũng đã chủ động xoá bỏ clip này trên trang cá nhân gần 8 triệu người theo dõi.
Mặc dù Thuỷ Tiên đã có động thái sửa sai nhưng dân mạng vẫn tiếp tục “khẩu chiến”. Người bênh vực cho rằng ca sĩ Thuỷ Tiên không hiểu rõ Luật của Bộ Y Tế nên mới hồn nhiên đăng tải clip như thế này, người lại lên tiếng phản đối dữ dội vì cho rằng bà xã Công Vinh đã lan truyền những nội dung không phù hợp, nếu khán giả học và làm theo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Trên các diễn đàn y học, các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà, kể cả truyền dịch hoa quả. Việc truyền dịch cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám, được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được đào tạo bài bản và phải tiến hành tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để có thể xử lý kịp thời khi có tai biến xảy ra.
Theo ThS-BS Phí Thị Lệ Tân – Khoa Nội, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, truyền dịch là một biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt đưa thuốc, những chất có lợi vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh hoặc để phục hồi cơ thể.
Bệnh nhân được chỉ định truyền dịch khi cần hồi phục lại khối lượng tuần hoàn đã mất của cơ thể như trong các trường hợp: tiêu chảy mất nước, bỏng nặng, mất máu nhằm mục đích nuôi dưỡng bệnh nhân khi bệnh nhân không ăn uống được, suy kiệt, bệnh nhân hôn mê, có tổn thương thực quản hay đường tiêu hóa. Việc đưa thuốc vào cơ thể với những dịch có pha thuốc còn có mục đích khác là giải độc, lợi tiểu trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc.
Truyền dịch vào cơ thể cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định, người bệnh cần được thăm khám đánh giá tình trạng bệnh từ đó sẽ lựa chọn loại dịch truyền phù hợp, số lượng, thời gian và tốc độ truyền phù hợp với từng bệnh nhân. Hầu hết tất cả các loại thuốc khi vào cơ thể đều có những tác dụng phụ. Do đó, việc truyền dịch cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu kịp thời xử lý nếu xảy ra hiện tượng sốc phản vệ.
#thuytien #congvinh #blogvietfood