28 Tháng Ba, 2024
Những ngày vừa qua, dân mạng xôn xao về việc chủ nhân Bếp trên đỉnh đồi – kênh blog về ẩm thực, đời sống – đạo nhái ý tưởng của nữ youtuber đình đám Trung Quốc Lý Tử Thất. Vụ lùm xùm lọt top 1 từ khóa tìm kiếm trên Weibo. Một blogger người Trung Quốc đã đăng clip dài hơn 5 phút, trong đó trình bày những điểm giống đến bất ngờ, từ nội dung, bối cảnh, góc quay, âm nhạc đến trang phục của chủ kênh vlog người Việt so với các sản phẩm của Thất tỷ.
Kênh vlog của Lý Tử Thất đã có từ năm 2017, thu hút hàng chục triệu fan trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Còn Bếp trên đỉnh đồi mới bắt đầu đăng clip từ tháng 3/2019 song có nhiều nội dung giống với Lý Tử Thất từng làm trước đó. Chủ nhân kênh Bếp trên đỉnh đồi là Tâm An. Cô làm các vlog về cuộc sống thôn quê ở miền núi phía Bắc, những món ăn xuất hiện trong clip đều là món chay. Hiện kênh này có 191.000 người đăng ký.
Không chỉ dân mạng xứ Trung mà cả những người theo dõi tại Việt Nam cũng đồng ý có quá nhiều sự trùng hợp giữa 2 kênh. Dưới các video tại kênh “Bếp trên đỉnh đồi”, nhiều dân mạng đặt thắc mắc về sự tương đồng quá lớn.”Cùng kiểu quần áo, tết tóc, động tác vặn cây bắp cải y hệt, thậm chí đến nhân vật người bà cũng có luôn” – một tài khoản bình luận.
Trong các vlog tại Bếp trên đỉnh đồi, có clip hướng dẫn làm hồng treo gió bị nhận xét “giống đến hơn 90%” video của Lý Tử Thất. Hiện clip này đã bị gỡ (ẩn). Điều này khiến dân mạng càng khẳng định việc đạo nhái ý tưởng của Tâm An. Lý Tử Thất (sinh năm 1990) được mệnh danh “Tiên nữ đồng quê”. Cô là vlogger nổi tiếng khắp châu Á với những video nấu ăn, làm vườn, tự làm đồ dùng trong gia đình… theo phong cách cổ trang.
Không chỉ được yêu mến bởi vẻ ngoài xinh xắn, Lý Tử Thất còn được ngưỡng mộ với những clip sáng tạo, độc đáo. Ngôi nhà cổ kính, khu vườn đẹp như tranh vẽ trong những vlog của 9X khiến dân mạng không khỏi ghen tỵ, mơ ước. Hiện tại, những người trong cuộc và cả phía YouTube chưa lên tiếng hay có bất kỳ động thái nào. Thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên những lùm xùm về vấn đề ăn cắp, sao chép ý tưởng trên YouTube nổi lên, gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp bị tố đạo nhái tương tự, mọi việc chỉ dừng lại ở việc lên án, chỉ trích từ phía dân mạng. Người trong cuộc im lặng, đại diện nền tảng thờ ơ, thiếu biện pháp xử lý nên hoàn toàn không có bất kỳ kết luận cụ thể nào, tất cả nhanh chóng bị lãng quên.
Đối phó với nạn đạo nhái phi văn bản từ lâu đã là thách thức lớn đối với những nền tảng chia sẻ video trực tuyến như YouTube. Khi Google mua lại YouTube vào năm 2006, nền tảng này từng bị ví là “thiên đường” của nội dung ăn cắp, vi phạm bản quyền.
Để khắc phục tình trạng này, YouTube khởi chạy Content ID, một hệ thống tự động phát hiện và xử lý các video trùng lặp. Content ID không quá hoàn hảo nhưng cũng đã làm giảm đáng kể số lượng nội dung lậu, sao chép trái phép.
Tuy nhiên, trong khi vấn đề vi phạm bản quyền vẫn chưa được giải quyết triệt để, YouTube với sứ mệnh ban đầu là trở thành thiên đường cho những người sáng tạo, lại đang trở thành mục tiêu của những “kẻ ăn cắp”.
Trong thời đại mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ video phát triển mạnh, nội dung liên tục được sáng tạo và cập nhật tạo ra nhiều trend, xu hướng. Các xu hướng lại rất nhanh hết thời. Chính vì vậy, việc chạy theo xu hướng trở thành áp lực với người sáng tạo nội dung. Thay vì mất thời gian đầu tư, suy nghĩ kịch bản, cách thể hiện hợp trend, nhiều người chọn “đón đầu” xu hướng bằng cách ăn theo, thậm chí sao chép các video có sẵn đang được quan tâm.
Bằng cách dịch, thay đổi một vài âm thanh, hình ảnh, những clip “sao y bản chính” đã dễ dàng qua mắt các công cụ phát hiện vi phạm bản quyền của YouTube. Đạo nhái và bản quyền vốn là 2 khái niệm khác nhau. Các công cụ của YouTube chỉ giúp phát hiện các video sao chép y hệt mà không thể xử lý những video ăn cắp ý tưởng.
Nói một cách đơn giản, rất nhiều YouTuber đang tìm cách “lách luật” bằng việc đạo nhái ý tưởng nhưng thay đổi các chi tiết như âm thanh, hình ảnh để tránh vi phạm bản quyền. Theo Jonathan Bailey, người sáng lập trang Plagiarism Today đồng thời là nhà tư vấn chiến lược cho các webmaster, nạn đạo nhái, trong cộng đồng YouTuber, như một con virus, một khi bắt đầu xâm chiếm, gần như không thể chống lại và sẽ dần giết chết những người sáng tạo nội dung chân chính.
“Nếu YouTube và cộng đồng YouTuber không muốn điều này trở thành bình thường, họ phải đẩy lùi nó ngay bây giờ. YouTube cần bổ sung, làm rõ hơn các điều khoản sử dụng dịch vụ để góp phần ngăn chặn những kẻ đạo nhái”, ông Bailey nói.
#LyTuThat #BepTrenDinhDoi #BlogViet